Màu sơn nhà bao gồm sơn nội thất và sơn ngoại thất. Trong đó, sơn nội thất là phần sơn bên trong nhà, có các ưu điểm nổi bật là độ mịn, bóng và bền màu, tạo vẻ đẹp thẩm mỹ cho toàn bộ ngôi nhà.
Cần đảm bảo thi công đúng quy trình về chống thấm, chuẩn bị bề mặt tốt trước khi thi công sơn ngoại thất.
Còn với sơn ngoại thất, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ thì được đề cao khả năng chống lại các tác động từ môi trường như chống thấm, chống bám bụi, chống rêu mốc, khả năng cách nhiệt, chịu nhiệt hay chống tia UV…
Độ bền màu
Độ bền màu ảnh hưởng trực tiếp tới thẩm mỹ của ngôi nhà. Bởi sau một thời gian dài, chịu nhiều tác động của thời tiết, màu sơn có thể bị bạc màu, phai màu và không còn được như ban đầu.
Các dòng sơn ngoại thất có độ bền màu cũng sẽ tiết kiệm được chi phí cho gia chủ. Bởi sơn có độ bền màu càng cao thì thời gian cần bảo dưỡng lại càng lâu, tần suất ít.
Do đó, khi chọn sơn ngoại thất, bên cạnh việc lựa chọn màu sơn sao cho hài hòa thì lớp sơn cần đảm bảo bền màu, ngăn rong rêu, ẩm mốc, giữ màng sơn luôn sạch đẹp.
Ngoài ra, cần đảm bảo thi công đúng quy trình về chống thấm, chuẩn bị bề mặt tốt, sử dụng sơn ngoại thất, tuân thủ theo đúng thời gian khô giữa các lớp sơn để kéo dài được hiệu quả bảo vệ và tránh được các hiện tượng hư hại.
Khả năng chống thấm
Yếu tố quan trọng không kém cần lưu ý khi chọn sơn ngoại thất là khả năng chống ẩm, chống thấm nước.
Chọn được loại sơn chất lượng, lớp sơn của ngôi nhà sẽ được bảo vệ, không bị phá vỡ cấu trúc, hạn chế hiện tượng bong tróc khi bị tác động lâu dài với nước mưa hay độ ẩm từ môi trường.
Bên cạnh đó, cần chọn loại sơn có khả năng chống bám bẩn tốt, giúp bề mặt tự làm sạch bụi bẩn, giữ cho ngôi nhà luôn đẹp mắt.
Có tính năng co giãn, làm mát
Có khá nhiều nguyên nhân khiến cho bề mặt tường bị nứt như tường xây không chuẩn, do hiện tượng lún nền, do tác động của ngoại lực… Theo đó, khi chọn sơn ngoại thất, nên lựa chọn những dòng sơn có màng sơn co giãn, có thể che kín những vết rạn nứt nhỏ, giúp bảo vệ tường và chống thấm tốt hơn.
Khả năng chống kiềm hóa
Ngoài hiện tượng phai màu, bay màu sơn, các chuyên gia cũng chỉ ra khi sử dụng sơn ngoại thất chất lượng kém thì sẽ sớm dẫn đến những hư hại đáng tiếc khác như hiện tượng kiềm hóa, loang màu với những vệt màu trắng hoặc vàng loang lổ thành từng mảng trên tường.
Tình trạng thường xảy ra khi sử dụng sơn không có tính năng chống kiềm hoặc tính năng chống kiềm thấp. Gặp thời tiết ẩm, màng sơn ngay lập tức bị bong tróc ra khỏi bề mặt, mất đi lớp bảo vệ tạo điều kiện cho các nhân tố bên ngoài như mưa nắng tấn công khiến ngôi nhà xuống cấp.
Do đó, sử dụng sơn ngoại thất có chất lượng sẽ giúp hạn chế hiện tượng này, đảm bảo thẩm mỹ công trình.
Chống rêu mốc
Ngoài hiện tượng kiềm hóa, tường ngoài công trình còn có thể xuất hiện rêu mốc do sử dụng sơn không có chất diệt rêu mốc hoặc có nhưng hiệu quả kém, lâu dần sẽ ăn mòn tường, giảm tuổi thọ công trình.
Vì vậy, người dùng nên lựa chọn các dòng sơn có tính năng chống nấm mốc và kháng khuẩn cao, giúp cho bề mặt luôn sáng bóng, bảo vệ màng sơn bền đẹp lâu hơn.
Chống tia UV
Tia UV có khả năng ảnh hưởng tới kết cấu tường nhà. Vì vậy, lựa chọn một loại sơn có độ chống tia UV sẽ giúp bảo vệ màng sơn trước thời tiết tốt hơn.
Ngoài ra, khi lựa chọn sơn ngoại thất cần chú ý đến yếu tố thân thiện môi trường. Sơn ngoại thất an toàn là loại không chứa các hợp chất có hại cho sức khỏe của con người như chì, thủy ngân, hàm lượng chất hữu cơ bay hơi thấp…
Copy link thành công